NSND Trần Ngọc Giàu phát biểu tưởng niệm NSND Diệp Lang
(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 20/3, tại Hội Sân khấu TPHCM (5B Võ Văn Tần, Quận 3), đông đảo nghệ sĩ các thế hệ đã đến tưởng niệm NSND Diệp Lang. Lễ tưởng niệm NSND Diệp Lang do Hội Sân khấu TPHCM phối hợp Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức nhằm ghi nhận những cống hiến của cố nghệ sĩ cho nghệ thuật nước nhà.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, khẳng định: “Sự ra đi của NSND Diệp Lang là một mất mát không gì bù đắp được. Văn nghệ sĩ và khán giả cả nước mãi khắc ghi hình ảnh, tiếng ca đã trở thành mẫu mực; còn nhớ mãi một tấm gương sáng về hoạt động nghệ thuật và nhân cách sống cao cả của người nghệ sĩ”.
NSND Lệ Thủy bày tỏ xúc động và ấm lòng khi Hội Sân khấu và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức một lễ tưởng niệm ấm cúng ghi nhận những đóng góp của NSND Diệp Lang cho sân khấu TPHCM. Đặc biệt, trên Sân khấu Vàng – do đôi nghệ sĩ tài danh Minh Vương và Lệ Thủy khởi xướng với tiêu chí “mỗi suất diễn là một căn nhà tình thương”, NSND Diệp Lang từng dàn dựng vở Tình mẫu tử rất ăn khách.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy thắp hương tưởng niệm NSND Diệp Lang
“Anh Diệp Lang từng chia sẻ mong muốn được tiếp tục làm Sân khấu Vàng để xây nhà cho bà con nghèo. Tiếc là sức khỏe của anh không còn cho phép… Được tin Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang có ý định tổ chức lại Sân khấu Vàng, chúng tôi rất vui, nhưng tôi nghĩ nên là một sân khấu mới để các nghệ sĩ trẻ nối tiếp truyền thống thế hệ đi trước giữ gìn nghệ thuật cải lương. Là người đi trước, chúng tôi sẽ hết lòng cổ vũ, ủng hộ các em” – NSND Lệ Thủy chia sẻ.
NSƯT Lê Tứ cảm thấy may mắn khi dù thuộc thế hệ hậu sinh nhưng đã kịp có cơ hội được diễn cùng nhiều tên tuổi lớn, trong đó có NSND Diệp Lang. “Từ nhỏ tôi đã mê tuồng Tiếng hò sông Hậu, gần như thuộc nằm lòng cả tuồng và đặc biệt ấn tượng với NSND Diệp Lang trong vai Hội đồng Dư. Không ngờ rằng sau này lại được diễn cùng chú. Sự kỹ lưỡng, chỉn chu trong nghề nghiệp, từng nề nếp, giờ giấc trên sàn tập, sàn diễn…, những cái nhỏ nhỏ thôi, nhưng đều đáng để học hỏi” – NSƯT Lê Tứ nói.
Đại diện Hội Sân khấu TPHCM tiếp nhận tấm lòng của gia đình NSND Diệp Lang góp sức chăm lo các nghệ sĩ già yếu, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn
Khoảng năm 2000, NSND Diệp Lang còn xuất hiện trên sân khấu kịch nói, đóng góp cho giai đoạn phát triển sôi động của các sân khấu xã hội hóa của TPHCM. “NSND Diệp Lang sinh ra là để đứng trên sân khấu. Bản lĩnh trên sân khấu cải lương thì ai cũng biết nhưng còn đó một Diệp Lang tài hoa không kém trên sân khấu kịch mà đến nay ít người biết đến. Đó là điều đáng tiếc” – ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF chia sẻ.
NSND Diệp Lang (1941 – 2023) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cải lương, 8 tuổi đã theo cha tham gia đoàn hát. 12 tuổi, ông tham gia trong vở Lấp sông Gianh của Đoàn Cải lương Kim Thoa kêu gọi thống nhất nước nhà. Năm 1962, gia nhập Đoàn Kim Chưởng và dần trở thành tên tuổi lớn của sân khấu cải lương, đại diện tiêu biểu của lớp nghệ sĩ “thế hệ vàng”. Sau ngày đất nước thống nhất, NSND Diệp Lang tiếp tục có những đóng góp to lớn cho nền sân khấu cách mạng với nhiều vai diễn để đời và đặc biệt là trong vai trò đạo diễn và nhà quản lý góp phần làm nên thành công của nhiều vở diễn kinh điển, như: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Tiếng hò sông Hậu, Tiếng sóng Rạch Gầm, Tâm sự Ngọc Hân, Lôi vũ…
Tại lễ tưởng niệm, Hội Sân khấu TPHCM cũng đã tiếp nhận tấm lòng của gia đình NSND Diệp Lang gửi đến Khu dưỡng lão nghệ sĩ (500 USD), Chùa Nghệ sĩ (500 USD) và các nghệ sĩ già yếu, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn (1.000 USD).
Minh Khang
Tin và bài từ Trang tin Điện tử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh. Website Thành Uỷ
Leave a Reply