Câu hò đất mẹ làm khán giả xúc động khi đi sâu vào những tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi con người.
(Thanhuytphcm.vn) – Tối 25/3, rất đông khán giả đã đến Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (Quận 1) để thưởng thức vở cải lương Câu hò đất mẹ. Cũng khá lâu rồi mới lại có một vở cải lương đề tài chiến tranh cách mạng thu hút đến thế.
Câu hò đất mẹ (tác giả: Nguyễn Thanh Bình, chuyển thể: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Lê Trung Thảo) kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của hai người cộng sản kiên trung, đồng thời cũng là đôi vợ chồng Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong. Vở diễn theo mạch hồi tưởng của Nguyễn Thị Minh Khai – nữ Bí thư Thành ủy đầu tiên của TPHCM, người bị thực dân Pháp kết án tử hình ở tuổi 31. Trong những ngày ngục tù tra tấn, chị nhớ đến những người thân yêu nhất của mình: nhớ người mẹ tảo tần với câu hò quê hương nuôi dưỡng tâm hồn; nhớ người chồng, người đồng chí Lê Hồng Phong gắn bó với nhau trong tình cảm riêng chung hòa quyện; nhớ đứa con thơ phải gửi lại đồng bào để chị hoàn thành nhiệm vụ với nước non. Tất cả là động lực, là sức mạnh để người phụ nữ nhỏ bé vượt qua những đòn roi khốc liệt nhất để giữ vững khí tiết.
Tác giả Nguyễn Thanh Bình cho biết, anh theo các nghệ sĩ từ trên sàn tập và rất hài lòng với bản dựng cải lương. “Tôi vui khi thấy khán giả xem vở mà im phăng phắc dõi từng lớp diễn, từng lời ca, biểu cảm của nhân vật như thế này. Để khán giả nhập tâm đến vậy là không dễ” – tác giả Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Là một khán giả đến xem vở, chị Ngọc Diễm cũng bày tỏ sự xúc động khi theo dõi câu chuyện về những người anh hùng được tái hiện một cách dung dị mà dạt dào cảm xúc. Ai bảo đề tài chiến tranh cách mạng là khô khan? Quan trọng là cách thể hiện như thế nào để người xem tin vào câu chuyện, đồng cảm với những nhân vật. Với kịch bản chắt lọc, dàn dựng hiện đại và tài hóa thân của nghệ sĩ, Câu hò đất mẹ đã làm rất tốt việc đưa hình ảnh những anh hùng cách mạng đến gần hơn với chúng ta hôm nay.
Lãnh đạo ngành văn hóa TPHCM chúc mừng ê-kíp vở diễn Câu hò đất mẹ.
“Tôi mong rằng Câu hò đất mẹ sẽ đến được với đông đảo người dân TPHCM, nhất là cán bộ công chức và cả học sinh, sinh viên. Mà mọi người phải đến thưởng thức tác phẩm ngay tại rạp hát, trong không gian sân khấu thực sự mới trải nghiệm được hết vẻ đẹp của vở diễn và nghệ thuật cải lương” – chị Ngọc Diễm nói.
Đạo diễn Lê Trung Thảo cho biết, anh quan niệm đề tài chiến tranh cách mạng hay bất cứ đề tài nào cũng vậy, quan trọng nhất vẫn là thể hiện một cách hấp dẫn để thu hút người xem. Ở Câu hò đất mẹ, Lê Trung Thảo đã khắc phục được hạn chế của những vở diễn cùng đề tài là tiết tấu chậm làm trì mạch kịch với cách xử lý dựng cảnh chuyển động liên tục, gần như không có điểm dừng trên sân khấu. Vở diễn vì thế vừa tinh gọn mà vẫn đong đầy cảm xúc.
Góp phần vào sự thành công của Câu hò đất mẹ phải kể đến dàn diễn viên rất giỏi nghề là: NSƯT Lê Tứ (Lê Hồng Phong), NSƯT Lê Hồng Thắm (Nguyễn Thị Minh Khai), NSƯT Lam Tuyền (chị Hai), nghệ sĩ Hà Như (mẹ Nguyễn Thị Minh Khai)… Đặc biệt, giọng ca hào sảng của NSƯT Lê Tứ kết hợp với nét diễn dịu dàng nhưng cứng cỏi của NSƯT Lê Hồng Thắm rất hòa hợp, mang đến nhiều cảm xúc cho người xem, nhất là những tâm sự về tình nhà hòa chung nợ nước của hai con người gắn kết với nhau bởi tình yêu lãng mạn lẫn tình đồng chí cao đẹp.
Minh Khang
Leave a Reply