Chắp cánh cho tài năng trẻ của cải lương

Thứ Năm, 14/07/2022, 16:01

Sân khấu cải lương lâu nay bị chê là lạc hậu, già nua bởi khan hiếm đội ngũ diễn viên trẻ. Nhưng khi xuất hiện lớp tài năng trẻ yêu cải lương, việc níu giữ họ ở lại và gắn bó lâu dài với nghề cũng trở thành thách thức nan giải. Trong tình hình khó khăn, thế hệ tiền bối tìm mọi cách để lớp trẻ có cơ hội tỏa sáng.

Đầu tháng 7 vừa qua, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ra mắt dự án Sân khấu Tài năng trẻ bằng vở diễn khai màn “Lụy tình vương nữ”. Sân khấu Tài năng trẻ được coi là sân chơi hiếm hoi dành riêng cho nghệ sĩ trẻ nhằm giúp họ có cơ hội trình diễn, học hỏi kinh nghiệm làm nghề ở những vở diễn quy mô, chuyên nghiệp. Qua đó, Nhà hát sàng lọc, tìm kiếm những nhân tố nổi bật và tâm huyết với nghề để đào tạo, bồi dưỡng thành lực lượng nghệ sĩ kế thừa, đưa nghệ thuật cải lương lên một tầm cao mới.

Đồng hành cùng dự án này có các tên tuổi gạo cội trong làng cải lương như soạn giả Hoàng Song Việt, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, NSƯT Tú Sương, NSƯT Vân Hà, NSƯT Hữu Quốc, nghệ sĩ Chí Linh, đạo diễn Lê Trung Thảo…

1 luy tinh vuong nu.jpg -0
Các diễn viên trong vở “Lụy tình vương nữ” của Sân khấu Tài năng trẻ.

Ngay ở vở diễn mở màn, giới yêu cải lương đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào Sân khấu Tài năng trẻ. “Lụy tình vương nữ” là vở cải lương dã sử đầy kịch tính, hấp dẫn mà cả nhân vật chính lẫn nhân vật phụ đều có đất diễn. Đạo diễn Lê Trung Thảo đã dàn dựng, cắt đặt lại để các diễn viên đều có cơ hội phát huy nội lực với vai của mình. Sự tranh ngôi đoạt vị, cuộc chiến chốn hậu cung nham hiểm hay vị ngọt tình yêu với nhiều tình tiết lôi cuốn khiến “Lụy tình vương nữ” trở thành vở cải lương đáng xem.

Dù vậy, sức nặng về diễn xuất nội tâm phức tạp cần có một nghệ sĩ giàu kinh nghiệm để làm trụ đỡ cho lớp diễn viên trẻ. Vai trò này được giao cho NSƯT Vân Hà. Đảm nhận vai chính nữ vương Hoàng Mai, chị nhiệt tình truyền các kỹ năng diễn xuất trên sân khấu lớn cũng như hỗ trợ lớp đàn em trong quá trình tập luyện.

NSƯT Vân Hà cho biết mình rất hạnh phúc khi thấy các bạn trẻ không ngại khó ngại khổ, chịu khó học hỏi và lăn xả hết mình để vai diễn được tròn trịa. “Họ rất đam mê và nhiệt huyết. Đây là tín hiệu vui để thế hệ đi trước chúng tôi có quyền hy vọng vào một thế hệ kế thừa trẻ trung, đầy tài năng và giỏi nghề” – chị hồ hởi. 

“Lụy tình vương nữ” khép màn để lại ấn tượng tốt với khán giả. Các diễn viên trẻ ít nhiều thể hiện được nội lực của mình với cách ca diễn đa dạng, cảm xúc. Cảnh trí sân khấu áp dụng kỹ xảo hiện đại, tạo khung cảnh lung linh, đẹp mắt. Trang phục diễn viên cũng nhận được nhiều lời khen. Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho biết dự án Sân khấu Tài năng trẻ sẽ kéo dài đến tháng 7/2023.

Lâu nay, cải lương luôn bị đặt vào tình trạng báo động. Cả người trong giới lẫn khán giả đều kêu than rằng: Cải lương đang chết dần chết mòn giữa cơn bão các loại hình giải trí hấp dẫn khác. Những khán giả trung thành của cải lương bây giờ đa phần là bậc trung niên và ngày càng vắng bóng. Để tồn tại trong thời đại công nghiệp 4.0 và chinh phục khán giả trẻ, cải lương phải đổi mới về hình thức lẫn nội dung, về tư duy sáng tạo lẫn hiệu ứng kỹ thuật… Tất cả bắt buộc nguồn nhân lực của cải lương phải dần trẻ hóa.

Theo TS Đào Lê Na, Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu – Điện ảnh, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ không mặn mà với cải lương. Ngoài thời lượng dài lê thê, cảnh trí, nội dung cũ kỹ thì một trong những nguyên nhân trọng yếu chính là đội ngũ diễn viên. Diễn viên trẻ khan hiếm nên đa phần các vai nhân vật trẻ đều do các nghệ sĩ đứng tuổi đảm nhận khiến vai diễn trở nên gượng gạo.

untitled-4.jpg -0
Sân khấu cải lương rất thiếu gương mặt nghệ sĩ trẻ. (Ảnh mang tính chất minh họa).

Thực tế, đội ngũ diễn viên trẻ của sân khấu cải lương không thiếu. Trong Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc tổ chức tại Cà Mau cuối năm 2020, rất nhiều gương mặt triển vọng của làng cải lương xuất hiện và chinh phục hạng mục giải thưởng cao. Ngay như dự án “Yume Art Project” của TS Đào Lê Na cũng có khóa đào tạo “Trở thành nghệ sĩ cải lương” dành cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn để tạo thêm thế hệ kế thừa cho cải lương.

Ngoài diễn viên học theo kiểu truyền nghề từ bậc tiền bối còn có lứa diễn viên được đào tạo bài bản ở Khoa Cải lương, Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Nhưng bước ra khỏi cuộc thi hay khóa đào tạo, họ lại không có nơi để “dụng võ”, nhất là cơ hội thử sức với vai diễn quan trọng trong vở tuồng dài hơi. Để xảy ra nghịch lý đó lại bắt nguồn từ việc sân khấu cải lương bao lâu nay bị khán giả thờ ơ và gặp nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, kịch bản…

Ngay cả nghệ sĩ ngôi sao cũng khó khăn để trụ lại với nghề khi lượng vé bán được trong các đêm diễn không mấy khả quan, huồng hồ là nghệ sĩ mới. Số vở diễn ít sáng đèn, nguồn doanh thu sụt giảm khiến nghệ sĩ trẻ ít được chào đón. Trong khi đó khán giả lại kêu ca sân khấu thiếu gương mặt tươi mới. Tất cả tạo thành một vòng luẩn quẩn khó giải quyết thấu đáo. 

Để lớp hậu bối có một nơi rèn nghề đúng nghĩa, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho ra đời Sân khấu Tài năng trẻ. Bởi nếu không có nơi rèn nghề, các tài năng này sẽ dần mai một và rơi rụng. Họ sẽ bỏ cải lương để đi tìm công việc khác mưu sinh. Điều này khiến cải lương đã thiếu nay lại càng thiếu trầm trọng thế hệ kế thừa.

 Tuy vậy, việc Sân khấu Tài năng trẻ đi được đường dài như dự định hay không là bài toán mà Nhà hát phải giải. Ban giám đốc Nhà hát dự tính phương án bán vé để duy trì Sân khấu. Song nhìn lại sẽ thấy, ngay cả vở diễn cải lương quy tụ rất nhiều ngôi sao cũng phải chật vật tìm cách tồn tại thì vở diễn toàn gương mặt trẻ sẽ rất khó đột phá. Trong vở “Lụy tình vương nữ”, các nghệ sĩ diễn khá tròn vai nhưng họ thiếu khá nhiều kinh nghiệm sân khấu nên còn nhiều pha xử lý non nớt. Đây là điều khó tránh khỏi vì họ ít có cơ hội cọ xát, rèn nghề thường xuyên. Nhưng bán vé cho các vở rèn nghề như thế là một bước đi khá mạo hiểm. Soạn giả Hoàng Song Việt thừa nhận: “Thuyết phục khán giả mua vé xem diễn viên trẻ không hề dễ dàng”.

Để giải bài toán này, ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết, trước mắt đơn vị sẽ vừa làm vừa nghe ngóng, ghi nhận ý kiến của khán giả nhằm kịp thời điều chỉnh, xây dựng nội dung cũng như lên lịch diễn phù hợp. Các kênh mạng xã hội sẽ được Nhà hát tận dụng để đón nhận ý kiến phản hồi, đồng thời là công cụ quảng bá, truyền thông cho vở diễn, đẩy mạnh việc bán vé. Giúp công chúng lẫn nghệ sĩ làm quen dần dần, Sân khấu Tài năng trẻ ưu tiên các vở mang nội dung nhẹ nhàng, phù hợp với năng lực của nghệ sĩ. Ngoài vở cũ tái dựng, rất nhiều kịch bản mới sẽ được đặt hàng riêng cho dự án. Các soạn giả căn theo sở trường, năng lực của từng nghệ sĩ để “đo ni đóng giày” cho họ, tạo điều kiện để họ thử sức ở những vai diễn “nặng ký”. 

Trong tương lai, ngoài việc biểu diễn định kỳ tại Sân khấu Tài năng trẻ, lớp nghệ sĩ hậu bối còn được Nhà hát tạo cơ hội trình diễn ở các sân khấu khác nhằm giúp họ dạn dĩ, thuần thục hơn và định hình rõ bản sắc, dấu ấn cá nhân trong lòng khán giả. Không những được cọ xát kỹ năng biểu diễn trên sân khấu, các nghệ sĩ trẻ còn được Nhà hát đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn, trang bị kỹ năng ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị… để họ thực sự trở thành lớp nghệ sĩ vừa có trình độ, vừa có lý luận, lại vừa giỏi nghề. Hy vọng với cách vừa đi vừa dò đường này, Sân khấu Tài năng trẻ sẽ đủ sức vượt qua mọi khó khăn để trở thành nơi chắp cánh cho các tài năng trẻ yêu cải lương.

Mai Quỳnh Nga

Leave a Reply

Your email address will not be published.